Lượt xem: 911

Thế giới phản đối Trung Quốc đưa tàu đến rạn đá Ba Đầu thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Ngày 21-3 tại rạn đá san hô Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam xuất hiện nhiều tàu cá của Trung Quốc. Điều đáng nói là các tàu cá này không thực hiện đánh bắt cá, mà dàn hàng ngang thành hình chữ V để mưu đồ xấu. Trước động thái này, thế giới đã lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt “diễn trò” trên biển. Mọi hành động của Trung Quốc đang được thế giới quan tâm và truyền thông theo dõi chặt chẽ.

    Thế giới lên án

    Ngày 21-3, hình ảnh vệ tinh cho thấy, tại rạn đá Ba Đầu thuộc vùng biển cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam xuất hiện nhiều tàu cá của Trung Quốc. Các tàu cá này xếp thành hàng ngang có nhóm 50 chiếc, có nhóm 20 chiếc. Tổng số tàu cá mà nhà cầm quyền Bắc Kinh điều xuống vùng biển Sinh Tồn của Việt Nam lần này đến 220 chiếc.


Hàng loạt tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi san hô Ba Đầu trong vùng biển đảo Sinh Tồn của Việt Nam, ảnh AFP.

 

    Khi bị vệ tinh phát hiện và thế giới lên án thì đại sứ quán Trung Quốc tại Manila - Philipine cho rằng: “Đó là những tàu cá trú ẩn do thời tiết xấu”. Còn bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng: “Đó là điều rất bình thường”?! khi trả lời đài AFP ngày 22-3.

    Ngay sau khi 220 tàu của Trung Quốc xuất hiện ở rạn đá Ba Đầu, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân các lực lượng vũ trang Philippines - tướng Cirilito Sobejana ngay lập tức đã ra lệnh cho hải quân nước này đưa thêm nhiều tàu đến khu vực Đá Ba Đầu để tăng cường, nhằm mục đích “bảo đảm an toàn cho ngư dân, tài nguyên biển và toàn vẹn lãnh thổ”. Tướng Cirilito Sobejana cũng yêu cầu Tùy viên quốc phòng Trung Quốc tại Philippines giải thích về sự hiện diện của đông đảo tàu dân quân tại rạn san hô này. Trong khi đó Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng tàu đi. Còn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cũng chia sẻ mối quan ngại khi biết Trung Quốc cho 220 tàu đến vùng biển Sinh Tồn của Việt Nam.

    Trước hành động “ngang ngược” của Trung Quốc, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 25-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Cần phải nhắc lại rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”.


Canh cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn, ảnh Mai Thắng

 

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định rằng: “Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

    Đây là chiến lược “cây bắp cải” của Trung quốc

    Rạn san hô Ba Đầu hay còn gọi là Đá Ba Đầu thực chất là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều cường xuống thấp; nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam.

    Một năm trước, vào tháng 3-2020, Trung Quốc đã điều một lượng tàu Trung Quốc đến và neo đậu tại đá Ba Đầu trong vài ngày, sau đó di chuyển xung quanh các thực thể khác của cụm đảo Sinh Tồn Đông, sau đó đến đảo Gạc Ma mà Trung Quốc đánh chiếm trái phép tháng 3-1988. Sự kiện Trung Quốc điều 220 tàu đến rạn đá Ba Đầu ngày 21-3 vừa qua không phải là ngẫu nhiên, mà có chủ đích. Vì tháng ba là tháng kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát Gạc Ma.

    Chẳng có gì lạ việc nhà cầm quyền Bắc Kinh điều 220 tàu đến rạn đá Ba Đầu, thực ra đây là chiến thuật “cây cải bắp” của Trung Quốc đã vạch ra. Bản chất của chiến thuật “cây cải bắp” là “gặm nhấm từng phần”, mà tàu cá Trung Quốc là phương tiện để thực thi chiến thuật “gặm nhấm” ấy. Tệ hơn, Trung Quốc đưa tàu cá của ngư dân, song thực tế đó là các tàu có trang bị vũ khí hiện đại. Sau đó đưa các tàu khác tới với danh nghĩa là “tiên quân”,  “trung quân”. Các tàu này thực chất là tàu quân sự ở “vòng ngoài” sẵn sàng “phi” tới để hỗ trợ cho tàu cá Trung Quốc khi có “động thái đấu tranh” của Việt Nam và các nước trong khu vực. Bản chất việc Trung Quốc đưa 220 tàu cá đến bãi cạn Ba Đầu là “kiểm soát bãi cạn” để hòng đánh chiếm như bãi cạn Scarborough của Philippines.


Đảo Sinh Tồn của Việt Nam nhìn từ biển, ảnh Mai Thắng

 

    Thế giới đang rất quan ngại và đặt ra câu hỏi: Trung Quốc đang dự định làm gì tại Ba Đầu? và tại sao Trung Quốc lại quan tâm với đá Ba Đầu như vậy? xin đưa ra những luận cứ sau:

    Thứ nhất: Trung Quốc có thể đang suy tính chiếm giữ thường xuyên bãi Ba Đầu giống như những gì mà nước này đã làm với Scarborough. Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tương tự như ở Scarborough để kiểm soát hoàn toàn Ba Đầu và vùng nước xung quanh. Hành động trên cũng để “thăm dò”, nếu Việt Nam và các nước trong khu vực không lên tiếng phản đối, Trung Quốc sẽ cho tàu đến Ba Đầu thường trực và liên tục hiện diện.

    Thứ hai: Khi không có phản đối từ Việt Nam và các nước, Trung Quốc sẽ tiến hành bồi đắp trái phép Ba Đầu, biến bãi đá này trở thành đảo nhân tạo thứ tám của nước này ở Trường Sa. Kịch bản này là kịch bản leo thang căng thẳng rất cao. Dĩ  nhiên Trung Quốc sẽ phải chấp nhận hy sinh một số lợi ích về mặt ngoại giao và uy tín quốc tế để có thể thực hiện và hiển nhiên, Trung Quốc bị thế giới lên án khốc liệt.

    Thứ ba: Về mặt chiến lược, nếu Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn đá Ba Đầu và cho tàu thuyền hoạt động ở đó một cách liên tục mà không bị Việt Nam, hoặc các nước trong khu vực cản trở, sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo được một con đường tiếp vận xuyên suốt từ bắc xuống nam khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Đây là “độc kế”, “được đằng chân lân đằng đầu” của Bắc Kinh.

    Có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc ngang ngược đưa 220 tàu cá xuống rạn san hô Ba Đầu nằm hoàn toàn trong vùng biển đảo Sinh Tồn của Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền phi pháp trắng trợn. Việt Nam sẽ hành động chính đáng để bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ của mình trên cơ sở Công ước về Luật Biển năm 1982.

Mai Thắng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 221
  • Trong tuần: 70,648
  • Tất cả: 11,802,655